Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Giống cây 'đẻ' ra cả khoai tây lẫn cà chua

Các kỹ sư nông nghiệp Anh vừa lai giống thành công loại cây đặc biệt, có khả năng tạo ra cả cà chua đỏ và khoai tây trắng trên một cây.

Mang tên TomTato - viết tắt của Tomato (cà chua) và Potato (khoai tây) - loại cây mới có thể tạo ra 500 trái cà chua anh đào ngọt trên các nhánh trong khi phần rễ cho người trồng những củ khoai tây trắng. Công ty Thompson & Morgan, nơi sản xuất giống cây TomTato cho biết, họ bán mỗi cây giống với giá 14,99 bảng (khoảng 500.000 đồng).
TomTato cho thu hoạch đồng thời cả cà chua và khoai tây. Ảnh: Independent.
Thompson & Morgan khẳng định, TomTato không phải sản phẩm của công nghệ đột biến gen. Những mầm cây đặc biệt ra đời nhờ kĩ thuật lai ghép thủ công của con người. Tuy cà chua - khoai tây từng xuất hiện ở Anh nhưng Thompson & Morgan khẳng định họ đã nắm giữ công nghệ sản xuất thương mại TomTato.
Paul Hansord, giám đốc Thompson & Morgan, cho biết, ông nảy ra ý định lai ghép cà chua và khoai tây từ 15 năm trước. Trong một lần tới Mỹ, Hansord nhận thấy ai đó đã treo những quả cà chua lên thân một cây khoai tây để gây ngạc nhiên. Nó đã thôi thúc Hansord tìm ra cách lai ghép.
“TomTato được thử nghiệm trong nhiều năm và kết quả cuối cùng vượt xa mong đợi của tôi. Cây đặc biệt cho ra loại cà chua thơm ngon nhưng không làm mất vị truyền thống của những của khoai tây. Tuy nhiên, quá trình tạo ra TomTato không hề dễ dàng, đòi hỏi tay nghề cao của những người cấy ghép”, Hansord khẳng định.
Theo nhà sản xuất, TomTato có thể sinh trưởng ngoài trời hoặc trong nhà kính, miễn là chúng có đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Công ty cũng vừa trồng thử nghiệm một sản phẩm tương tự, có tên gọi là “Potato Tom”, tại các nhà vườn ở New Zealand trong tuần này.
Theo Tri Thức

Ngón tay cụt mọc lại nhờ bàng quang lợn

Một nhát cắn của ngựa, một bàng quang lợn và một ngón tay người đã trở thành "nguyên liệu" cho một câu chuyện kỳ diệu trong y học.

Kênh truyền hình CBS đưa tin Pual Halpern, một người đàn ông 33 tuổi tại thành phố Miami, bang Florida, Mỹ đang làm việc trong trại ngựa thì đột nhiên một con ngựa cắn đứt ngón tay trỏ của anh.
"Một trong những người đồng nghiệp đã thò tay vào miệng con ngựa để lấy đốt ngón tay của tôi ra ngoài. Tôi nhảy lên xe hơi, nắm chặt những ngón tay còn lại nhưng không biết nên làm gì", Halpern kể.
Ảnh minh họa: blogspot.com.
Halpern từng mua bảo hiểm nhân thọ. Công ty bảo hiểm muốn anh bỏ ngón tay để họ bồi thường. Nhưng Halpern lại gặp bác sĩ Eugenio Rodrguez tại Trung tâm Phẫu thuật Deerfield Beach. Vị bác sĩ nói ông sẽ tái tạo phần ngón tay đã mất cho anh.
Rodriguez lấy mô từ bàng quang lợn để tạo khuôn cho đốt ngón tay cụt. Ông gắn khuôn vào phần ngón tay còn lại. Sau nhiều tuần, thịt và xương của Halpern bắt đầu phát triển trở lại trong khuôn. Cuối cùng móng tay cũng xuất hiện.
"Tôi không hề cảm nhận bất kỳ điều gì trong quá trình thịt, xương tái sinh. Nhưng rồi một ngày nọ tôi thấy móng tay. Đó là điều kỳ diệu. May mắn đã mỉm cười với tôi", Halpern nói.
Trên thực tế bác sĩ Rodriguez đã áp dụng kỹ thuật dị ghép - biến tế bào của một loài thành tế bào của một loài khác. Mỗi ngày, Halpern phải tháo lớp mô bàng quang lợn ra và thay một lớp mới trước khi bọc nó bằng mảnh vải tẩm dung dịch muối.
"Mô bàng quang lợn kích thích tế bào gốc trong cơ thể người, khiến tế bào gốc phát triển thành mô và xương người", vị bác sĩ giải thích.
Kỹ thuật dị ghép ra đời từ khoảng 100 năm trước. Giới y khoa bắt đầu ứng dụng nó từ đầu thế kỷ 20. Nó có thể gây nên nhiều nguy cơ tiềm năng - như viêm nhiễm, truyền bệnh tật từ cơ thể động vật sang cơ thể người.
Halpern kể rằng anh không hề cảm thấy đau đớn trong suốt quá trình điều trị. Vì thế mà anh không phải trải qua ca phẫu thuật hay các liệu pháp tốn kém khác để phục hồi sức khỏe. Rodriguez nói ông đã sử dụng bột bàng quang lợn để chữa các vết thương và hy vọng liệu pháp ấy sẽ trở nên phổ biến.
Theo Tri Thức

Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Siêu xe tuyệt vọng tìm sự sống trên sao Hỏa

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận, sau hơn một năm trên sao Hỏa, thiết bị thăm dò Curiosity không thể tìm thấy dấu hiệu của sự sống trong bầu khí quyển của hành tinh đỏ.

Trong một tuyên bố được đưa ra ngày hôm qua, NASA khẳng định thiết bị thăm dò tự hành trị giá 2,5 tỷ USD hoàn toàn không phát hiện ra dấu vết của methane, loại khí được sản sinh ra bởi các loài sinh vật sống, trong khí quyển sao Hỏa.
Siêu xe thăm dò sao Hỏa Curiosity. Ảnh: Dailymail.
Sở hữu những công nghệ mới nhất, Curiosity đáp xuống hành tinh đỏ nhằm truy tìm dấu vết sự sống. Nó từng phân tích mẫu đất, khoan lấy mẫu trên đá, sử dụng tia laser cực mạnh để làm bốc hơi mẫu vật hay phân tích không khí trong bầu khí quyển Hỏa tinh. Tuy Curiosity tìm thấy dấu vết của nước cũng như các hợp chất hữu cơ có thể hỗ trợ sự sống trong đất nhưng kết quả phân tích không khí cho thấy sự sống không tồn tại ở đây.
Kết quả này khá bất ngờ và gây thất vọng cho giới khoa học bởi khi Curiosity đáp xuống sao Hỏa, NASA rất hy vọng nó tìm thấy dấu vết của methane, loại khí mà vệ tinh thăm dò sao Hỏa cũng như các hệ thống kính thiên văn dưới mặt đất từng phát hiện vài năm trước.
Trên thực tế, sao Hỏa là một hành tinh khắc nghiệt. Nó sở hữu bầu khí quyển mỏng, khiến bề mặt khô cằn của nó hứng chịu gần như toàn bộ bức xạ mặt trời. Các nhà khoa học đều tin rằng, bề mặt Hỏa tinh quá khắc nghiệt để duy trì sự sống.
Theo Tri Thức

Hy vọng tái sinh nhờ công nghệ đông lạnh cơ thể

Khoảng 150 người ở Mỹ chọn cách ướp lạnh toàn bộ cơ thể và 80 người muốn ướp lạnh não trong nitơ lỏng để chờ cơ hội tái sinh trong tương lai.

Bảo quản cơ thể trong môi trường nhiệt độ thấp với hy vọng hồi sinh nhờ tiến bộ của khoa học, kỹ thuật trong tương lai là ý tưởng mang đậm chất viễn tưởng, song vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nhờ một phương pháp mang tên Cryonic, cơ thể người sẽ được bảo quản theo một quy trình nghiêm ngặt trong môi trường lạnh.
Đông lạnh cơ thể mở ra viễn tưởng tái sinh ngọt ngào.
Khi một người chọn cách đông lạnh cơ thể được tuyên bố đã chết về mặt pháp y, công ty bảo quản Cryonic sẽ cử đội phản ứng nhanh tới để giúp cho máu của người quá cố tuần hoàn khắp cơ thể. Sau đó, cơ thể sẽ được tiêm hóa chất và ướp lạnh để ngăn chặn hiện tượng đông máu và tổn thương não.
Sau khi trải qua các bước chuẩn bị cần thiết, họ sẽ hút máu khỏi cơ thể trước khi các chất giúp bảo vệ nội tạng được đưa vào thay thế. Thuốc đặc biệt được tiêm vào các mạch máu nhằm ngăn chặn sự hình thành các tinh thể băng bên trong lục phủ ngũ tạng và phần mô của người được đông lạnh. Sau đó, cơ thể sẽ được làm lạnh tới mức -130 độ C. Cuối cùng, cơ thể đã được xử lý sẽ được đưa vào bảo quản ở một bể chứa ni tơ lỏng có nhiệt độ -196 độ C.
Theo số liệu do BBC cung cấp, khoảng 150 người Mỹ chọn cách bảo quản cơ thể trong ni tơ lỏng và 80 người khác chọn cách bảo quản riêng phần não. Trong khi đó, tới 1.000 người còn sống đã lựa chọn các công ty bảo quản thi thể để được ướp xác ngay sau khi họ qua đời.
Sở dĩ những người lựa chọn phương pháp ướp xác này ngày càng tăng bởi 3 lý do chính, trong đó quan trọng nhất là việc ướp xác chỉ được tiến hành khi cơ quan y tế tuyên bố họ đã chết, đồng nghĩa với việc chấm dứt cuộc sống ở thời điểm hiện tại. Thứ hai, bảo quản thi thể ở nhiệt độ rất thấp giúp các mô không phân hủy. Cuối cùng, những người chọn phương pháp này đều hi vọng vào cơ hội tái sinh trong tương lai, khi khoa học kỹ thuật đạt được những thành tựu nổi bật.
Trên thực tế, nếu cơ thể nằm trong môi trường có nhiệt độ dưới -5 độ C, các tinh thể băng bắt đầu hình thành trong tế bào, phá vỡ màng bảo vệ và gây ra những tổn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, công nghệ Cryonic giúp ngăn sự hình thành các tinh thể băng thông qua phương pháp đông lạnh nhanh. Cùng với nhiệt độ rất thấp, cơ thể được đông lạnh sẽ được bảo vệ tối đa.
Phương pháp đông lạnh cơ thể chờ tái sinh đang ngày càng được nhiều người lựa chọn.
Trên lý thuyết, phương pháp Cryonic có vẻ rất tối ưu nhưng các nhà khoa học tin rằng, đưa những người đông lạnh trở lại cuộc sống trong tương lai là việc rất khó. Tiến sĩ Dayong Gao từ Đại học Washington cho biết, nhiệt độ -196 độ C khiến cơ thể vô cùng mong manh, ngay cả trước sự biến đổi nhiệt độ bất thường.
“Giống như thủy tinh, xương dễ dàng vỡ vụn khi nhiệt độ thay đổi bất thường. Trong khi đó, liên kết giữa các neuron thần kinh trong não bộ rất dễ bị tổn hại trong quá trình làm lạnh hoặc sưởi ấm, khiến nỗ lực tái sinh gặp muôn vàn thách thức. Cuối cùng, thể trạng của người được đông lạnh đã không còn khả năng tự hỗ trợ sự sống cho người đó nên việc tái sinh sẽ phức tạp hơn nhiều”, Gao giải thích.
Giáo sư sinh hóa Ken Storey từ Đại học Carleton ở Ottawa, Canada tỏ ra không tin tưởng vào phương pháp đông lạnh để hồi sinh.
“Cơ thể mỗi người đều rất khác biệt, dẫn tới quá trình đông lạnh khác nhau. Thậm chí, riêng việc bảo vệ não bộ cũng đặt ra hàng loạt những vấn đề không hề đơn giản”.
Theo giáo sư Carleton, mỗi tế bào trong cơ thể con người có khoảng 50.000 phân tử protein và hàng trăm triệu phân tử chất béo tạo thành màng tế bào. Quá trình đông lạnh sẽ phá hủy chúng, khiến việc hồi sinh cơ thể trở nên bất khả thi.
Hồi sinh nhờ kỹ thuật đông lạnh cơ thể là hy vọng vô lý trong thế giới hiện tại, song người tin tưởng phương pháp này có quyền hy vọng vào rằng những thành tựu khoa học, kỹ thuật vượt trội trong tương lai có thể giúp họ quay trở lại cuộc sống.
Theo Tri Thức

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Một phi thuyền Mỹ mất tích bí ẩn

Các chuyên gia của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ bối rối sau khi một phi thuyền của họ đột ngột ngừng liên lạc với trung tâm điều khiển.

Vào năm 2005, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phóng phi thuyền Deep Impact lên vũ trụ để nó phóng một đầu đạn vào sao chổi Tempel 1. Nhưng sau đó NASA gia hạn thời gian hoạt động của phi thuyền để nó tiếp tục theo dõi các sao chổi, ngôi sao và hành tinh ngoài Thái Dương Hệ.
Hình minh họa phi thuyền không người lái Deep Impact. Ảnh: NASA.
Đột nhiên Deep Impact ngừng liên lạc với trung tâm điều khiển trong một khoảng thời gian giữa ngày 11 và 14/8. Các kỹ sư nhận định một lỗi phần mềm đã khiến máy tính của phi thuyền tự khởi động lại. Tuy nhiên, họ không thể đưa nó vào chế độ an toàn trong suốt thời gian qua, AP đưa tin.
Michael A’Hearn, trưởng nhóm kỹ sư, nói rằng giờ đây Deep Impact đã vượt khỏi tầm kiểm soát của NASA. Ông và các đồng nghiệp đang cố gắng gửi mệnh lệnh tới phi thuyền để giúp nó hoạt động trở lại.
Do Deep Impact lấy điện từ những tấm pin mặt trời trên cánh nên nếu các tấm pin không hướng về phía mặt trời, phi thuyền sẽ chỉ còn đủ điện trong vài ngày.
“Một khi những cục pin trong phi thuyền chết, chúng sẽ không thể hoạt động trở lại”, A’Hearn nói.
Envisat, vệ tinh theo dõi trái đất lớn nhất trong lịch sử loài người do Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phóng lên, cũng từng mất tích. Những người điều khiển Envisat không nhận được dữ liệu từ Envisat từ ngày 8/4/2012, khi nó bay qua Thụy Điển. Với khối lượng 8,2 tấn và chiều dài 10,5 m - Envisat bay lên quỹ đạo vào tháng 3/2002 cùng 10 thiết bị để theo dõi các đại dương, băng, đất và không khí của địa cầu. Được thiết kế để hoạt động trong 5 năm, song Envisat vẫn theo dõi trái đất tới tận ngày 8/4 vừa qua. Theo kế hoạch của ESA, Envisat sẽ ngừng hoạt động vào năm 2014.
Một vệ tinh cùng loại đã phát hiện Envisatkhi hai vật thể cách nhau trong phạm vi khoảng 100 km vào ngày 15/4. Những bức ảnh cho thấy Envisat, có kích thước tương đương xe buýt và khối lượng 8 tấn, vẫn còn nguyên vẹn và tấm pin mặt trời của nó đã mở ra.
Theo Tri Thức

Biển Chết đang bị các 'hố tử thần' nuốt chửng?

Biển Chết đang bị các 'hố tử thần' nuốt chửng?

Biển Chết đang khô cạn dần với tốc độ nhanh lạ thường, để lộ ra các khoảng trống lớn, có hình dạng như những "hố tử thần" đáng sợ.
Các "hố tử thần" xuất hiện ngày càng nhiều trong khu vực biển Chết, vốn trải dài khoảng 76km qua Israel, Bờ Tây và Jordan. Các chuyên gia tuyên bố, chúng đang hình thành với tốc độ gần 1 hố mỗi ngày. Tuy nhiên, họ không có cách nào để nhận biết về thời điểm cũng như cơ chế hình thành của các hố tử thần này.
Biển Chết ngày càng hẹp dần.
Theo ước tính của tạp chí Moment, chỉ tính riêng bên phía Israel hiện đã có tới hơn 3.000 hố tử thần quanh biển Chết, trong khi con số này vào năm 1990 chỉ là 40, kể từ khi hố đầu tiên xuất hiện vào những năm 1980.
Các chuyên gia nhận định, sự gia tăng của các hố tử thần liên quan trực tiếp tới việc biển Chết đang khô cạn dần với tốc độ 1 mét/năm.
Các hố tử thần về cơ bản có hình dạng cái bát, hình thành khi một khoảng trống dưới mặt đất tạo ra điểm sụt lún. Sự sụt lún là kết quả của một phản ứng giữa nước ngọt và muối bị chôn vùi ở tầng ngầm dưới mặt đất. Khi nước ngọt hòa tan muối, nó tạo ra một chỗ trống, khiến vùng xung quanh và phía trên nó đột ngột sụp đổ.
Vài thập niên trở lại đây, việc nước mặn của biển Chết khô cạn dần đã dẫn tới tình trạng có thêm nhiều nước ngọt trong khu vực sẽ tham gia hòa tan muối và tạo ra ngày càng nhiều lỗ hổng dưới mặt đất, gây sụt lún.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề xuất một giải pháp là đào kênh đào nối liền biển Chết với biển Đỏ. Tuy nhiên, các nhà môi trường học cảnh báo, sự can thiệp dạng này có thể kết liễu sự tồn tại của biển Chết.
Các chuyên gia tin cần phải thực hiện nhiều việc hơn nữa để làm nổi bật tình cảnh khó khăn của biển Chết và tìm ra một giải pháp khả thi. Chẳng hạn như, để thu hút sự chú ý của thế giới tới thách thức đang có, nghệ sĩ Spencer Tunick đã ghi lại các hình ảnh về màn khỏa thân tập thể đầu tiên của con người ở biển Chết vào năm 2011.
Tại sao biển Chết đang khô cạn?
Biển Chết là nơi thấp nhất trên bề mặt Trái Đất, nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan, trên thung lũng Jordan. Khu vực chứa nước bị vây hãm kín này thực tế có thể coi là một hồ chứa nước "khủng", có độ mặn cao nhất trên thế giới. Nước của biển Chết mặn gấp 10 lần nước của Đại Tây Dương. Điều này là do, biển Chết không thông với sông, suối nào, khiến bất kỳ khoáng chất nào rơi vào đây cũng tích tụ nguyên tại chỗ.
Tắm khỏa thân ở Biển Chết.
Biển Chết dài 76 km, chỗ rộng nhất tới 18km và chỗ sâu nhất là 400m. Mực nước biển Chết đã sụt giảm từ 394m dưới mực nước biển vào những năm 1960 xuống khoảng 423m dưới mực nước biển vào cuối năm 2012. Vì vậy, diện tích nước bề mặt của biển Chết cũng suy giảm 1/3, từ 950km2 xuống còn 637km2 như hiện nay.
Mực nước biển Chết đang tiếp tục sụt giảm với tốc độ báo động, 0,8 - 1,2m/năm. Sự sụt giảm đáng kể mực nước trong 30 năm qua là do sự chuyển hướng nước từ sông Jordan và từ biển Chết vì quá trình gia tăng dân số.
Theo Vietnamnet

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Những thắc mắc phổ biến của hành khách máy bay

Điện thoại và các thiết bị thu phát sóng cầm tay không gây hại tới các chuyến bay, cửa thoát hiểm không thể bung ra khi máy bay đang di chuyển trên không là những điều mà ít người biết.
Trong một cuốn sách mới được xuất bản, Patrick Smith, một phi công thương mại người Mỹ, đưa ra câu trả lời cho hàng loạt những nghi vấn thường gặp của hành khách trên các chuyến bay chở khách từ khắp nơi trên thế giới.
Điện thoại chưa từng gây hại cho máy bay
Khả năng gây hại của điện thoại và các thiết bị thu phát sóng cầm tay đối với máy bay từng là nguyên nhân của rất nhiều cuộc tranh luận. Một số người cho rằng điện thoại và các thiết bị thu phát sóng cầm tay có khả năng gây nhiễu loạn hệ thống điện tử trên máy bay và các loại máy móc. Tuy chưa có bằng chứng chính xác nhưng không ít người tin rằng điện thoại tiềm ẩn nguy cơ gây hại đối với các chuyến bay.
Chưa từng ghi nhận khả năng gây hại của điện thoại tới hệ thống điện tử của các máy bay.
Patrick Smith khẳng định, điện thoại di động và các thiết bị thu phát tín hiệu “có khả năng” tác động tới hệ thống điện tử trong buồng lái nhưng người ta “chưa từng ghi nhân một trường hợp nào như vậy". Hệ thống điện tử của máy bay được thiết kế để ngăn chặn mọi khả năng can thiệp từ bên ngoài.
Việc yêu cầu hành khách tắt điện thoại di động và các thiết bị liên lạc cầm tay của các hãng hàng không nhằm mục đích phòng ngừa những hậu quả đáng tiếc. Trên thực tế, chưa ai có thể chứng minh những ảnh hưởng xấu của điện thoại di động tới sự an toàn của những chuyến bay.
Patrick Smith dẫn chứng, khoảng một triệu người Mỹ không tắt điện thoại khi di chuyển bằng máy bay mỗi ngày. Tuy nhiên, chưa sự cố nào liên quan đến loại thiết bị liên lạc này từng xảy ra.
“Nếu thực sự điện thoại có khả năng gây hại tới các chuyến bay, tôi nghĩ chúng ta đã có bằng chứng”, Patrick Smith khẳng định.
Máy tính xách tay thực sự gây nguy hiểm
Trong khi khả năng gây hại của điện thoại và các thiết bị thu phát sóng cầm tay chưa từng được ghi nhận, Patrick Smith khẳng định máy tính xách tay thực sự gây nguy hiểm cho hành khách trong các chuyến bay.
Sử dụng máy tính xách tay trên máy bay có thể gây nguy hiểm.
Cụ thể, Patrick Smith khuyến cáo hành khách không nên sử dụng máy tính xách tay trên các chuyến bay đề phòng trường hợp máy bay đi vào vùng thời tiết xấu hoặc giảm tốc đột ngột. Trong trường hợp máy bay đột ngột giảm tốc, máy tính xách tay sẽ lao thẳng về phía các hành khách, đe dọa an toàn tính mạng người sử dụng và những người ngồi xung quanh.
“Máy tính xách tay được xếp vào danh mục hành lý mà hành khách cần phải đặt cố định trên các khoang chứa hoặc dưới ghế để tránh khả năng gây hại tới những người trên máy bay”, Patrick Smith lập luận.
Không thể mở cửa thoát hiểm khi phi cơ đang bay
Cửa thoát hiểm được thiết kế dọc thân máy bay để sơ tán khẩn cấp hành khách trong trường hợp nguy hiểm. Được thiết kế để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, cửa thoát hiểm của máy báy sẽ bung ra phía ngoài và con người chỉ có thể mở chúng từ bên trong.
Cửa thoát hiểm chỉ mở được khi máy bay đã hạ cánh. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, cửa thoát hiểm của máy bay không thể bung ra khi nó đang di chuyển trên bầu trời. 
“Bạn không thể mở cửa thoát hiểm khi máy bay đang bay bởi chênh lệch áp suất cực lớn giữa trong và ngoài phi cơ. Áp suất chênh lệch giữa cabin mà môi trường bên ngoài sẽ hút chặt các cửa thoát hiểm, khiến chúng không thể bật ra ngoài dù bạn tháo chốt”, Smith khẳng định.
Nhà vệ sinh trên máy bay hiện đại không dùng nước
Trong những năm 1980 của thế kỷ trước, nhà vệ sinh trên các máy bay sử dụng một chất lỏng màu xanh để đẩy mọi thứ từ bồn cầu vào bể chứa dưới thân. Tuy nhiên, trọng lượng của nước khiến những chiếc máy bay trở nên nặng nề, tiêu hao nhiều nhiên liệu và có thể gây hại đối với người dưới mặt đất trong trường hợp nước rò rỉ.
Nhà vệ sinh của các máy bay hiện đại hoạt động theo cơ chế hút chân không. Bồn chứa dưới thân máy bay sẽ mở trong khoảng thời gian ngắn khi di chuyển trên không trung để tạo áp suất. Sau khi có đủ áp suất cần thiết, cửa bồn chứa sẽ được đóng lại.
Khi nút xả nhà vệ sinh được kích hoạt, chênh lệch áp suất trong bồn chứa và thân máy bay sẽ hút tất cả mọi thứ xuống phía dưới. Chất thải sẽ nằm gọn trong thân máy bay và xe hút chuyên dụng sẽ đưa chất thải ra ngoài khi máy bay hạ cánh.
Máy bay là những phương tiện siêu bền
Máy bay được thiết kế siêu bền.
Hành khách trên các chuyến bay hoàn toàn có thể yên tâm về sự bền vững của thân máy bay. Theo tính toán của các nhà sản xuất, những chấn động gặp phải trên không trung hầu như không thể hạ gục những chiếc máy bay chở khách hiện đại.
Máy bay không rơi dù lọt vào nhiễu động mạnh tới mức gây biến dạng các cánh hoặc thổi bay một trong các động cơ. Tuy nhiên, những nhiễu động lớn tới mức này rất hiếm khi xảy ra và chỉ vài hành khách phải trải qua cảm giác này khi di chuyển bằng đường hàng không, Smith khẳng định.
Theo Tri Thức

Tàu tư nhân bay lên quỹ đạo để nhận rác

Phi thuyền Cygnus do một tập đoàn tại Mỹ chế tạo đã rời khỏi bệ phóng hôm qua để chở hàng hóa lên Trạm Không gian Quốc tế và đem rác, chất thải từ trạm về trái đất.
Cygnus, sản phẩm của tập đoàn Orbital, đã rời khỏi trái đất nhờ tên lửa đẩy Antares hôm 18/9. Vụ phóng tàu diễn ra tại trạm phóng Wallops của NASA tại bang Virginia, Mỹ. Với sự gia nhập của Cygnus, hiện tại hai công ty tư nhân Mỹ đã tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa lên Trạm Không gian Quốc tế. Theo hợp đồng giữa NASA với Orbital, công ty sẽ nhận 1,9 tỷ USD để thực hiện 8 chuyến hàng lên quỹ đạo.
Theo Tri Thức