Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Muốn thuyết phục thành công, chớ nhìn vào mắt đối phương

Giao tiếp bằng mắt không có lợi trong quá trình thương thuyết, bởi càng nhìn lâu vào mắt nhau, người ta càng nghi ngờ nhau hơn.

Thuyết phục người khác là một phần tất yếu trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nhiều người nghĩ rằng khi thuyết phục ai đó, chúng ta nên nhìn thẳng vào mắt vì hành động đó khiến ta trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt đối phương. Nhưng một nghiên cứu chứng minh rằng giao tiếp bằng mắt sẽ làm giảm khả năng thành công khi bạn muốn thuyết phục người có quan điểm khác bạn,Daily Mail đưa tin.
Ảnh minh họa: Forbes.
Frances Chen, một tiến sĩ của Đại học Freiburg tại Đức, cùng các đồng nghiệp thực hiện một thử nghiệm đối với một nhóm người tình nguyện. Họ chiếu một đoạn video rồi yêu cầu những người tình nguyện nhìn thẳng vào mắt của người trong video. Nhân vật trong đoạn video đưa ra lập luận về một vấn đề gây tranh cãi để thuyết phục những người khác đồng ý với quan điểm của anh ta.
Trong lúc người tình nguyện nhìn vào video, nhóm nghiên cứu dùng máy theo dõi chuyển động của mắt để đo thời gian mà mỗi người tình nguyện nhìn vào mắt người trong video. Sau đó họ yêu cầu người tình nguyện đưa ra ý kiến về lập luận của nhân vật mà họ vừa xem.
Kết quả cho thấy thời gian người tình nguyện nhìn thẳng vào mắt nhân vật càng lớn thì mức độ đồng tình của họ với lập luận của nhân vật càng giảm. Nhưng tình hình sẽ diễn ra theo chiều hướng ngược lại nếu người tình nguyện đồng tình với quan điểm của nhân vật từ trước khi họ xem video.
Nhóm nghiên cứu lặp lại thử nghiệm, song lần này họ đưa ra hai lựa chọn cho tình nguyện viên: Nhìn mắt hoặc miệng của nhân vật trong video. Họ nhận thấy những người nhìn vào miệng dễ đồng ý với lập luận của nhân vật hơn.
"Giao tiếp bằng mắt là dấu hiệu của sự kết nối trong những tình huống thân thiện, chẳng hạn như cuộc gặp của những người bạn hay người thân. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào mắt người đối diện trong những tình huống khác, ý định chống lại nỗ lực thuyết phục sẽ tăng", Chen phát biểu.
Julia Minson, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, nhận định rằng hành vi nhìn vào mắt người khác, đặc biệt là những người có quan điểm trái ngược với chúng ta, có thể làm thay đổi quyết định của họ một cách ngoạn mục.
"Dù bạn là chính trị gia hay phụ huynh, bạn vẫn phải nhớ rằng nhìn vào mắt người đối diện có thể phản tác dụng khi bạn cố gắng thuyết phục những người có suy nghĩ khác với bạn", Minson nói.
Theo Tri Thức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét